Trách nhiệm pháp lý dân sự đối với xe tự lái [diendandoanhnghiep.vn]
Trong vòng 5 năm, công nghệ xe tự lái đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, hành lang pháp lý với loại xe này vẫn còn bỏ ngỏ.
PGS. TS TRẦN VIỆT DŨNG - ThS. LÊ TRẦN QUỐC CÔNG(*)
Vừa qua, Vinfast, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Việt Nam, đã công bố đã nghiên cứu và phát triển thành công ba dòng xe thông minh VF31, VF32, VF33 sở hữu những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới như: công nghệ nhận diện gương mặt, trợ lý ảo đa ngôn ngữ… và đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều khiển xe, cho phép xe tự lái.
Đây được xem là một bước tiến táo bạo hứa hẹn sẽ đem lại những sản phẩm mới cho người tiêu dùng Việt Nam.
Chưa có quy định cho xe tự lái
Về mặt chủ trương Nhà nước rất ủng hộ ý tưởng của dự án công nghệ này. Thế nhưng, để người dân Việt Nam được mục kích sản phẩm xe tự lái rộng rãi trên đường phố theo chúng tôi là còn khá xa vời. Ngoài vấn đề kỹ thuật, một vấn đề khác cần phải được giải quyết đó là khung pháp lý cho sự vận hành của phương tiện xe tự lái này.
Trong đó, một vấn đề hết sức quan trọng phải được giải quyết đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự khi xe tự lái gây tai nạn.
Trách nhiệm pháp lý này sẽ thuộc về ai: chủ phương tiện hay nhà sản xuất xe tự lái? Rõ ràng, với xe tự lái, người sử dụng phương tiện không trực tiếp điều khiển phương tiện và sự an toàn của phương tiện lại lệ thuộc hoàn toàn vào sự chính xác của các hệ thống điều khiển tự động do nhà sản xuất thiết kế.
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam không có bất kỳ một quy định riêng biệt nào cho xe tự lái. Nếu chiếu theo quy định của khoản 3 điều 601 Bộ Luật dân sự 2015 thì người chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phương tiện sẽ phải bồi thường thiệt hại kể cả khi người đó không có lỗi. Bên cạnh đó, nếu xem xét thực tiễn các trường hợp xe ô tô có chức năng tự lái đang lưu hành trên đường Việt Nam hiện tại, thì phần chức năng tự lái này cũng sẽ không được kiểm định hay chứng nhận an toàn.
Mặc dù điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định : “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật…”, tuy nhiên việc phát hiện, chứng minh « khuyết tật » trong chương trình điều khiển tự động và rất phức tạp của xe tự hành đối với người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng. Như vậy, nếu áp dụng khung pháp lý hiện tại để xem xét trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến sự an toàn của xe tự lái thì người chủ phương tiện (người điều khiển) sẽ hoàn toàn phải gánh chịu rủi ro, kể cả khi những rủi ro này ngay từ ban đầu có thể được gây ra do lỗi của nhà sản xuất.
Nếu giữ nguyên cơ chế này người tiêu dùng sẽ rất ngại mua và sử dụng xe tự lái vì họ hoàn toàn bị động - xe được điều khiển bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp trong xe, nhưng lại phải chịu đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu đặt trách nhiệm này cho nhà sản xuất thì lại tạo một áp lực khá lớn cho các nhà sản xuất, vốn đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí để nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao này. Đó là chưa kể họ còn phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để quảng cáo và giúp người tiêu dùng làm quen với sản phẩm.
Bài học từ EU
Ở các thị trường lớn của xe tự lái hiện nay như EU có cách tiếp cận khá thú vị đối với xe tự lái. Loại phương tiện này chịu sự điều chỉnh cùng lúc hai cấp độ quy định pháp luật: Thứ nhất, ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu - đó là quy định về bảo hiểm tải bắt buộc đối với các phương tiện vận tải lưu hành trên lãnh thổ EU.
Quy định này bắt buộc chủ sở hữu của mọi phương tiên cơ giới phải mua bảo hiểm cho phương tiên của mình, bao gồm cả xe tự lái. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe tự lái cũng phải có tránh nhiệm đóng góp vào quỹ bảo hiểm (cho các loại tai nạn) cho phương tiện xe tự lái. Với cơ chế bảo hiểm này, các thiệt hại do xe tự lái gây ra sẽ có thể được chi trả bởi bảo hiểm (kể cả trong trường hợp thiệt hại đó xảy ra trong các điều kiện không có người lái như các phương tiện cơ giới thông thường).
Ở đây, nhà sản xuất sẽ được xem là phải chịu trách nhiệm đảm bảo cho sự an toàn đối với các sản phẩm của mình làm ra khi phải tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm cho phương tiện xe tự lái. Việc san sẻ trách nhiệm đóng bảo hiểm sẽ giúp người tiêu dùng có tâm lý tự tin khi mua sản phẩm, còn nhà sản xuất cũng hạn chế trách nhiệm bồi thường và có động lực nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Thứ hai, ở cấp độ quốc gia - đó là quy định về trách nhiệm dân sự trong pháp luật quốc gia. Mỗi quốc gia thành viên EU sẽ xây khung pháp lý riêng phù hợp với điều kiện của mình. Tại EU hiện có hai cách tiếp cận khác nhau. Tại Pháp, từ năm 2018 đã bắt đầu cho phép thí điểm lưu hành xe tự lái trên đường phố, tuy nhiên đặt ra điều kiện là khi chức năng tự lái được kích hoạt thì sẽ phải có một người chịu trách nhiệm với tư cách là người lái xe kể cả khi người này có ở trên xe hay không.
Trong khi đó, Đức đã ban hành một bộ quy tắc đối với xe tự lái, không yêu cầu người lái xe phải liên tục can thiệp vào hệ thống điều kiển của xe tự lái khi di chuyển, nhưng phải đảm bảo chú ý đến việc lấy lại quyền điểu khiển khi phương tiện có cảnh báo hoặc trong trường hợp bắt buộc phải điều khiển bằng tay ngay lập tức, nếu không đảm bảo quy tắc này, người lái xe phải chịu trách nhiệm cho bất cứ tai nạn nào diễn ra.
Và để xác định trách nhiệm này, thì pháp luật Đức yêu cầu các nhà sản xuất xe tự lái phải triển khai một hệ thống giám sát hoạt động trên mọi xe tự lái – tương tự như một “hộp đen”. Khi có tai nạn xảy ra, nạn nhân có thể dựa vào dữ liệu được ghi lại này để xác định rằng lỗi gây ra tai nạn là do người lái hay do chính lỗi của chiếc xe gây ra. Các quy định nêu trên tại EU đã góp phần tích cực cho sự phát triển của thị trường xe tự lái ở châu Âu.
Để thúc đầy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô tự lái tại Việt Nam, nhà nước cần chủ động hơn trong việc hoàn thiện khung pháp lý đối với loại phương tiện này, trong đó đặc biệt cần phát triển các quy định về đăng kiểm chất lượng an toàn của xe và trách nhiệm bồi thường tai nạn do xe tự lái gây ra.
Do sản phẩm xe tự lái còn quá mới mẻ nên chúng ta có thể chưa có góc nhìn toàn diện và thấu đáo khi phân tích về phạm vi trách nhiệm dân sự liên quan; tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy cho thị trường xe tự lái, Việt Nam cần phát triển các quy định linh động trên tinh thần san sẻ trách nhiệm giữa các bên liên quan. Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu áp dụng các quy định mang tính thí điểm như của EU và từng bước hoàn thiện từ thực tiễn Việt Nam.
(*) PGS. TS TRẦN VIỆT DŨNG (Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM, thành viên sáng lập Victory LLC); ThS. LÊ TRẦN QUỐC CÔNG (GV Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM)
-------